Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015, thay thế Luật Hôn nhân và Gia đình số 22/2000/QH10. Bài viết sau đây sẽ tóm tắt một số điểm mới cơ bản trong các điều khoản của Luật Hôn nhân và Gia đình, đồng thời liên hệ với các quy định về xét nghiệm ADN huyết thống trong triển khai thực tế.
Điểm mới của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
Thứ nhất: Nâng độ tuổi kết hôn
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã thay đổi độ tuổi kết hôn của nữ thành đủ 18 tuổi, nam thành đủ 20 tuổi thay vì quy định như trước đây tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 là từ 18 tuổi đối với nữ và từ 20 tuổi đối với nam.
Thứ hai: Cho phép người thân mang thai hộ
Luật Hôn nhân và Gia đình đã cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, việc bổ sung này nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con nhưng không thể mang thai.
Việc mang thai hộ chỉ được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện về cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Đặc biệt là người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.
Thứ ba: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng tính
Nhà nước đã có những quan điểm thoáng hơn đối với hôn nhân đồng tính, bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhằm tránh sự phân biệt, kỳ thị đối với người đồng tính và can thiệp vào quan hệ chung sống của người đồng tính.Tuy nhiên nhà nước ta vẫn không thừa nhận hôn nhân đồng tính thông qua quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Thứ tư: Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận
Việc thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm: tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; nội dung khác có liên quan.
Thỏa thuận này vẫn có thể được thay đổi sau khi kết hôn.
Thứ năm: Việc áp dụng tập quán tốt đẹp về hôn nhân và gia đình
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cụ thể việc áp dụng tập quán trong hôn nhân gia đình so với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 theo đó, chỉ được áp dụng tập quán trong trường hợp pháp luật không có quy định và các bên không có thỏa thuận nhưng không được trái với các nguyên tắc, vi phạm các điều cấm tại Luật này.
Quy định hiện hành chỉ quy định “Vận động nhân dân xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc; xây dựng quan hệ hôn nhân và gia đình tiến bộ”. Việc quy định chung chung tạo nhiều kẽ hở, bất cập, gây khó khăn cho tòa án khi xét xử các vụ án về hôn nhân gia đình mà phải áp dụng các phong tục tập quán.
Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định cụ thể cách giải quyết về con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng các bên khi nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Không tính thời gian chung sống như vợ chồng trước khi đăng ký kết hôn vào thời kỳ hôn nhân.
Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
>>> Bài viết liên quan: Xét nghiệm ADN làm giấy khai sinh
Về việc xác định con, Điều 89 Luật này quy định rất cụ thể:
- Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình.
- Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con mình.
>>> Bài viết liên quan: Xét nghiệm ADN nhận Cha cho Con
Điều 90. Quyền nhận cha, mẹ
1. Con có quyền nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết.
2. Con đã thành niên nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ; nhận mẹ, không cần phải có sự đồng ý của cha.
Điều 91. Quyền nhận con
1. Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết.
2. Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia.
Điều 92. Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp người có yêu cầu chết
Trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết.
Đối với trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (IVF), Điều 93 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định rõ:
1. Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này.
2. Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra.
3. Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.
4. Việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được áp dụng theo quy định tại Điều 94 của Luật này.
Đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định:
Điều 122. Áp dụng pháp luật đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
1. Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.
2. Trong trường hợp Luật này, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 2 của Luật này. Trong trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam.
3. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng.
Điều 123. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
1. Thẩm quyền đăng ký hộ tịch liên quan đến các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
2. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
3. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Điều 124. Hợp pháp hoá lãnh sự giấy tờ, tài liệu về hôn nhân và gia đình
Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để sử dụng giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình thì phải được hợp pháp hoá lãnh sự, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Thủ tục liên quan đến xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài được quy định tại Điều 128:
1. Cơ quan đăng ký hộ tịch Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con mà không có tranh chấp giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau mà ít nhất một bên thường trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
2. Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết việc xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 88, Điều 89, Điều 90, khoản 1, khoản 5 Điều 97, khoản 3, khoản 5 Điều 98 và Điều 99 của Luật này; các trường hợp khác có tranh chấp.
Trên đây là những điểm mới cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Thông tin chi tiết toàn văn của Luật này, các bạn xem TẠI ĐÂY
Theo SMiC, VBPL
Trung tâm xét nghiệm ADN NOVAGEN
No Responses